Từ người lóng ngóng vẽ mắt khiến một bên đen như gấu trúc cho đến chuyên gia đào tạo trang điểm là 21 năm nỗ lực của Thanh Phan.
Chị từng nắm giữ vị trí đào tạo cấp cao tại các tập đoàn mỹ phẩm lớn, gần nhất là Trưởng phòng đào tạo và phát triển Makeup Artist của một nhãn hiệu mỹ phẩm trang điểm chuyên nghiệp trong 8 năm. Cách đây 6 năm, chị sáng lập Cộng đồng chuyên gia trang điểm Việt Nam (MUAVN) – một sân chơi dành cho các chuyên gia trang điểm kết nối và chia sẻ các tác phẩm, truyền cảm hứng cho nhau. Sắp tới, chị thực hiện một khóa đào tạo giảng viên dạy trang điểm chuyên nghiệp, giúp giảng viên có kỹ năng, kiến thức chuyên sâu, tính sáng tạo và biết cách truyền cảm hứng cho học viên.
Hồi tưởng lại những ngày đầu của 21 năm trước, nghề nghiệp hiện tại đến với chị như cơ duyên. Là con gái, ai cũng thích đẹp. Thế nên trong lúc ôn thi đại học, chị đăng ký tham gia khoá đào tạo của một công ty mỹ phẩm nhằm tìm kiếm kiến thức dưỡng da và làm đẹp. “Trong quá trình học, tôi nhận ra sự yêu thích của mình dành cho mỹ phẩm. Tôi đã học với tất cả sự say mê, tập trung, chăm chỉ. Điều này đã khiến cho giáo viên đứng lớp chú ý đến cô trò nhỏ”, chị nhớ lại.
Khóa học kết thúc, cô giáo ngỏ lời hỏi chị có muốn trở thành một chuyên viên trang điểm không. Chị mừng rỡ đồng ý, cái gật đầu ngày ấy trở thành viên gạch đầu tiên cho hành trình không ngừng nghỉ suốt 21 năm.
Hai năm đầu tiên vào nghề, chị đảm nhận vai trò chuyên viên trang điểm, hỗ trợ các nhân viên bán hàng, thực hiện việc hướng dẫn trang điểm, tư vấn chăm sóc da cho khách hàng. Ban ngày đi làm, tối đến học chương trình đại học từ xa của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chuyên ngành tiếng Anh.
Khách hàng ở đâu, các nhân viên bán hàng chở chị đến đó. Có lúc phải đi tỉnh, xa nhà dài ngày, di chuyển nhiều nơi. Việc học vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Làm việc từ 8h đến 17h, chị thường tranh thủ ăn vội bánh mì, gói xôi rồi đến lớp học. Nhiều lúc quá mệt sau một ngày trình bày ở nhiều hội thảo, sinh viên Thanh Phan ngày ấy đã có lúc ngủ gật ngon lành trong lớp. Cũng với ý chí tự lập, để có tiền trang trải việc học, cuối tuần chị nhận trang điểm cô dâu.
“Tuổi đôi mươi, nhìn các chị đồng nghiệp quanh mình mặc đồ hiệu, đi chơi, có người yêu, đến hàng quán sang trọng… còn tôi, cứ đỡ việc là phải mang sách vở ra làm bài, học thêm. Nhiều khi cũng thấy cô đơn”, chị bày tỏ. Nhưng hiểu được công việc nào là tạm thời và định hướng nào là bền vững, chị luôn kiên định tiếp tục với nghề.
Bạn bè đồng trang lứa đang đi học còn đồng nghiệp chỉ đi làm, chị lại cùng lúc ham cả hai, thế nên phải chịu vất vả, nỗ lực gấp đôi, ba lần. Sau 2 năm, từ chuyên viên trang điểm, chị được chuyển lên phòng đào tạo làm giảng viên nội bộ của công ty rồi giám sát phòng đào tạo. Lúc bấy giờ, trong đội ngũ 26 chuyên viên trang điểm, chị tự nhận xét mình không phải người giỏi nhất, đẹp nhất, nhiều bằng cấp nhất nên mới được chọn làm giảng viên. Mà đơn giản vì chị là người chăm chỉ nhất.
Sau giờ làm, nếu không phải đến lớp học, dù mệt mỏi thế nào, hễ có cơ hội là chị xung phong tham gia phụ việc tại câu lạc bộ dạy trang điểm của công ty. Mức thù lao tăng ca sau giờ làm chỉ 50.000 đồng, nhưng chị không ngại làm những công việc: xếp dọn sản phẩm, lau chùi gương, lau sản phẩm, bày biện đồ dùng, vòng vòng hỗ trợ khách hàng, thu dọn rác, giặt bông mút…
“Mọi thứ bắt đầu từ việc chăm chỉ, có thái độ tốt rồi cơ hội sẽ đến. Làm những công việc nhỏ nhưng nhận được kiến thức chính là cái được lớn hơn rất nhiều. Vì thế, để phát triển, tôi luôn không ngừng học tập, trang bị kỹ năng, kiến thức cho bản thân”, chị Thanh nói.
Chị cũng nhớ cảm xúc của lần đầu tiên cầm cọ, tay run run, trang điểm cho khách hàng. Đến bước vẽ mắt nước, tay nghề yếu nên chị vô tình đặt cọ ở sát chân mày, khách hàng vừa mở mắt thì mực loang ra, một bên mắt đen như chú gấu trúc. Nhưng vị khách không nổi giận, mà hướng dẫn cách vẽ cho chị. Rất lâu sau đó, chị mới vẽ được mà không thể nhớ đã phải thực hành bao nhiêu lần, từ vẽ trên giấy đến tập trên khuôn mặt của chính mình.
Đảm nhận vai trò đào tạo trong 19 năm ở 3 nhãn hàng lớn về mỹ phẩm. Mỗi lần đổi việc, người khác đều nghĩ rằng chị “đi xuống”, bởi quy mô ban đầu của công ty mà chị chuyển sang đều nhỏ hơn công ty cũ, có lần chị còn chấp nhận mức lương giảm đi. Nhưng chị vẫn chấp nhận thử thách, bởi nhìn thấy tiềm năng ở tương lai.
Thực tế chứng minh chị đã đúng khi mỗi lần thay đổi đều mang lại bước tiến vượt bậc. “Người trẻ, đừng vội tập trung vào kiếm tiền, hãy tích luỹ cho mình nền tảng vững chắc, tìm cơ hội học hỏi cách làm việc chuyên nghiệp. Cơ hội tốt sẽ dành cho những tài năng nổi trội và không ngừng trau dồi học hỏi”, chị Thanh nhấn mạnh.
Ở công ty thứ ba, với vị trí là trưởng phòng đào tạo và phát triển chuyên viên trang điểm, chị là giảng viên duy nhất của nhãn hàng tại Việt Nam được đào tạo bài bản tại Mỹ. Cứ mỗi 6 tháng được trở lại Mỹ tham gia chương trình đào tạo dành cho 600 giảng viên toàn cầu để cập nhập xu hướng mới, kỹ thuật mới trong trang điểm, nghệ thuật đào tạo và giảng dạy lại cho chuyên viên Việt Nam. Chị cũng trình diễn trang điểm tại hầu hết các sự kiện ra mắt bộ sưu tập sản phẩm mới của nhãn hàng.
Bên cạnh công việc ở công ty, tâm huyết và tình yêu của chị dành rất nhiều cho cộng đồng make-up với ước mơ nâng tầm nghề trang điểm tại Việt Nam. Chị đã tổ chức những sự kiện vô cùng ý nghĩa, giá trị dành cho cộng đồng chuyên viên trang điểm, LGBT… và đảm nhận vai trò cố vấn, giám khảo cho nhiều cuộc thi về make-up.
Bước ra từ môi trường làm việc chuyên nghiệp của các tập đoàn, chị hiểu nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong ngành bán lẻ và khát khao học tập của những chuyên viên làm nghề trang điểm tự do. Vì vậy, tháng 7/2019 chị quyết định thành lập Pro Academy, đào tạo giảng viên dạy trang điểm và chuyên viên trang điểm cấp cao. Giáo trình giúp học viên trang bị nền tảng của một giảng viên, kỹ năng sư phạm trong dạy trang điểm, làm sao truyền tải kiến thức hiệu quả thông qua sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại… Không gian phòng học rộng 130 m2, màn hình LED lớn thể hiện rõ chi tiết; mọi người có thể cùng nhau thực hiện những hoạt động như biểu diễn, chụp ảnh…
Cách đây 6 năm, chị Thanh đã sáng lập cộng đồng makeup artist Việt Nam, đến nay đã hội tụ hơn 2.600 thành viên. Mọi người được kết nối, tham gia các cuộc thi khuyến khích tài năng, giữ lửa với nghề, giao lưu với những người đi trước để học hỏi.
Những ngày đầu tháng 9, khi chuẩn bị cho khoá khai giảng của Pro Academy, chị Thanh Phan còn đảm nhận thêm vị trí cố vấn nội dung cho Triển lãm Làm đẹp Ngoisao Beauty Expo 2019 do báo Ngoisao.net tổ chức.
Chị Thanh Phan xuất hiện trong bộ trang phục mô phỏng vẻ đẹp của Dubai như chủ đề Beauty around the world. Ảnh: Hữu Khoa.
Tại buổi họp báo Triển lãm Ngoisao Beauty Expo 2019 diễn ra ở TP HCM ngày 3/9, chị chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi được mang đến đây, không chỉ là những lời giới thiệu, mà có thể cho mọi người thưởng thức tài năng và sự sáng tạo của các thành viên đến từ cộng đồng chuyên viên trang điểm Việt Nam giàu kỹ thuật, đam mê, nhiệt huyết”, nữ cố vấn cho chương trình chia sẻ.
Xuyên suốt chương trình, chị Thanh Phan cũng sẽ tham gia chia sẻ workshop hướng nghiệp diễn ra ngày 6/10, giúp các chuyên viên trang điểm có thể định hướng nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng để không chỉ giỏi trang điểm mà còn có thể giảng dạy cho người khác thật hiệu quả.